Ấn Độ Thế Kỉ XVIII – Đầu Thế Kỉ XX
Câu Hỏi Thảo Luận
Câu hỏi trang 56: Qua bảng thống kê (SGK, trang 56) em có nhận xét gì về chính sách thống trị của thực dân Anh và hậu quả của nó đối với Ấn Độ?
Trả lời:
– Bảng thống kê cho thấy số lượng xuất khẩu tăng nhanh,những số người chết đói cũng tăng lên rất nhiều.
– Chứng tỏ chính sách thống trị của thực dân Anh hết sức tàn bạo.
+ Ra sức vơ vét, bóc lột nhân dân Ấn Độ.
+ Đời sống nhân dân bần cùng, số người chết đói rất nhiều.
Câu hỏi trang 58: Trình bày diễn biến cuộc khởi nghĩa Xi-pay (1857 – 1859).
Trả lời:
– Ngày 10 – 5 – 1857, 60 nghìn binh lính Xi-pay nổi dậy khởi nghĩa vũ trang chống thực dân Anh, nhanh chóng lan ra khắp miền Bắc và một phần miền Trung Ân Độ.
– Nghĩa quân đã lập được chính quyền, giải phóng được một số thành phố lớn.
– Cuộc khởi nghĩa tiếp tục duy trì được 2 năm thì bị thực dân Anh đàn áp dã man.
Câu Hỏi Và Bài Tập (Giải Lịch Sử 8 Bài 9)
Bài 1 trang 58: Nêu những hậu quả sự thống trị của Anh ở Ấn Độ.
Trả lời:
– Cản trở sự phát triển của nền kinh tế Ấn Độ.
– Đời sống nhân dân cực khổ, số người chết đói gia tăng.
– Mâu thuẫn giữa nhân dân Ấn Độ sâu sắc với thực dân Anh trở nên sâu sắc.
=> Nhiều cuộc đấu tranh của nhân dân Ấn Độ nổ ra chống lại ách thống trị hà khắc của thực dân Anh.
Bài 2 trang 58: Đảng Quốc đại được thành lập nhằm mục tiêu đấu tranh là gì?
Trả lời:
Đảng Quốc đại được thành lập nhằm mục tiêu đấu tranh giành quyền tự trị, phát triển kinh tế dân tộc.
Bài 3 trang 58: Lập niên biểu về phong trào chống Anh của nhân dân Ấn Độ từ giữa thế kỉ XIX đến đầu thế kỉ XX.
Trả lời:
Thời gian | Phong trào đấu tranh | Kết quả |
1857-1859 | Khởi nghĩa binh lính Xi-pay | Thất bại |
1875-1885 | Phong trào đấu tranh của công nhân và nông dân Ấn Độ | Thất bại |
1905 | Phong trào biểu tình chống chính sách “chia để trị” của Anh với xứ Ben-gan | Bị đàn áp |
7-1908 | Bãi công ở Bom-bay | Thất bại |
Câu Hỏi Củng Cố Kiến Thức
Câu 1: Thực dân phương Tây đã xâm chiếm Ấn Độ như thế nào?
Trả lời
Từ thế kỉ XVI, thực dân phương Tây đã từng xâm nhập vào châu Á, đặc biệt ở Ấn Độ. Sang đầu thế kỉ XVIII, sự tranh giành giữa Anh và Pháp dẫn đến cuộc chiến tranh giữa hai nước này trên đất Ấn Độ ( 1746-1763). Kết quả là Anh đã gạt Pháp, hoàn toàn công cuộc chinh phục và đặt ách thống trị tại Ấn Độ.
Câu 2: Bên cạnh chính sách khai thác, bóc lột thuộc địa, thực dân Anh còn thi hành những chính sách thâm độc gì đối với nhân dân Ấn Độ?
Trả lời
Bên cạnh chính sách khai thác, bóc lột thuộc địa, thực dân Anh còn thi hành chính sách cai trị thâm độc về chính trị:
– Dùng chính sách “chia để trị”, dùng “Người Ấn trị người Ấn”.
– Chia rẽ tôn giáo, dân tộc bằng cách gây mâu thuẫn giữa hai tôn giáo là Ấn Độ giáo và Hồi giáo.
– Giữ nguyên những “hố sâu” phân chia các đẳng cấp xã hội.
– Thi hành chính sách “ngu dân”.
– Khuyến khích những tập quán lạc hậu và phản động thời cổ xưa.
Câu 3: Nguyên nhân nào dẫn đến phong trào đấu tranh của nhân dân Ấn Độ?
Trả lời
– Do chính sách thống trị tàn bạo của thực dân Anh đã dẫn đến tình trạng bần cùng và chết đói của quần chúng nhân dân, cơ sở ruộng đất nông thôn bị phá vỡ, nền thủ công nghiệp bị suy sụp, nền văn minh lâu đời bị phá hoại.
– Sự xâm lược và thống trị của thực dân Anh đã chà đạp lên quyền dân tộc thiêng liêng của nhân dân Ấn Độ.
– Mâu thuẫn giữa dân tộc Ấn Độ với thực dân Anh đã trở nên gay gắt, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc nổ ra một cách quyết liệt.
Câu 4: Cuộc khởi nghĩa Xi-pay có ý nghĩa lịch sử như thế nào?
Trả lời
Cuộc khởi nghĩa Xi-pay tiêu biểu cho tinh thần bất khuất của nhân dân Ấn Độ chống chủ nghĩa thực dân, giải phóng dân tộc. Nó mở đầu cho phong trào giải phóng dân tộc rộng lớn sau này ở Ấn Độ.
Câu 5: Phong trào đấu tranh của nông dân và công nhân Ấn Độ trong những năm 1875-1885 có tác dụng gì?
Trả lời
Các phong trào đấu tranh của nông dân và công nhân Ấn Độ trong những năm 1875-1885 có tác dụng thúc đẩy giai cấp tư sản Ấn Độ đứng lên chống thực dân Anh.
Câu 6: Đảng Quốc đại được thành lập trong hoàn cảnh nào?
Trả lời
– Trong điều kiện mới của sự xâm lược và thống trị của thực sân Anh, giai cấp tư sản Ấn Độ ra đời và phát triển rất nhanh.
– Thực dân Anh lo sợ phong trào công nhân ở Ấn Độ phát triển rộng lớn, vốn có kinh nghiệm làm yếu phong trào đấu tranh ở nước Anh, nên chúng tìm cách lôi kéo giai cấp tư sản Ấn Độ và cho phép giai cấp này thành lập một chính đảng.
– Năm 1885, Đảng Quốc dân Đại hội (Gọi tắt là Đảng Quốc đại) – chính đảng của giai cấp tư sản dân tộc Ấn Độ, được thành lập.
Câu 7: Đảng Quốc đại đã có sự phân hóa như thế nào trong quá trình hoạt động?
Trả lời
Trong quá trình hoạt động, Đảng Quốc đại đã phân hóa thành hai phái:
– Phái “Ôn hòa” chủ trủ chương thỏa hiệp, đi theo đường lối ôn hòa, chống lại mọi hình thức đấu tranh bạo lực, chỉ yêu cầu chính phủ thực dân cải cách để đem lại tiến bộ và văn minh cho Ấn Độ.
– Phái “Cấp tiến” do Ti-lắc cầm đầu, phản đối đường lối ôn hòa, có thái độ kiên quyết, đòi lật đổ ách thống trị của thực dân Anh. Tuy nhiên, Ti-lắc và phái của ông không gắn liên đấu tranh giải phóng dân tộc với cuộc đấu tranh chống phong kiến.
Câu 8: Vì sao có sự phân hóa trong Đảng Quốc đại?
Trả lời
Đảng Quốc đại có sự phân hóa là do bản chất thỏa hiệp, bảo vệ quyền lợi của mình nên giai cấp tư sản đấu tranh chống thực dân Anh không triệt để.
Câu 9: Nêu những nét chính về cao trào đấu tranh ở Ấn Độ từ năm 1905 đến 1908?
Trả lời
– Năm 1905, nhân dân Ấn Độ tiến hành nhiều cuộc biểu tình rầm rộ chống chính sách “chia để trị” của thực dân Anh đối với xứ Ben-gan.
– Tháng 7 – 1908, ở Bom-bay, công nhân tổ chức nhiều cuộc bãi công, thành lập các đơn vị chiến đấu, xây dựng chiến lũy chống lại quân đội Anh. Thực dân Anh đàn áp rất dã man.
Câu 10: Em có nhận xét gì về phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở Ấn Độ cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX?
Trả lời
– Phong trào đấu tranh ở Ấn Độ diễn ra liên tục, mạnh mẽ với sự tham gia của nhiều tầng lớp, giai cấp, đặc biệt đến đầu thế kỉ XX, giai cấp công nhân tham gia ngày càng đông, có tổ chức, thể hiện tính giai cấp ngày càng cao.
– Mặc dù các phong trào lần lượt thất bại vì sự đàn áp, chia rẽ của thực dân Anh, chưa có lãnh đạo thống nhất, chưa có sự liên kết đấu tranh và chưa có đường lối đấu tranh đúng đắn, song phong trào yêu nước chống thực dân Anh của nhân dân Ấn Độ không bị dập tắt, đặt cơ sở cho thắng lợi sau này.
Câu 11: Lập niên biểu về phong trào chống Anh của nhân dân Ấn Độ từ giữa thế kỉ XIX đến thế kỉ XX?
Trả lời
Thời gian | Sự kiện |
1857-1859 | Khởi nghĩa Xi-pay |
1875-1885 | Phong trào đấu tranh của nông dân và công nhân Ấn Độ thúc đẩy giai cấp tư sản dân tộc Ấn Độ đứng lên chống thực dân Anh |
1905 | Nhân dân Ấn Độ biểu tình |
7-1908 | Khởi nghĩa Bom-bay |
Câu 12: Lập bảng so sánh phong trào cách mạng 1905-1907 ở Nga với phong trào cách mạng 1905-1908 ở Ấn Độ theo mẫu?
Trả lời
Tiêu chí | Ấn Độ | Nga |
Lãnh đạo | Phái “Cấp tiến” (đại diện cho tư sản dân tộc) | Chính đảng của giai cấp vô sản |
Mục tiêu | Chống thực dân Anh | Chống lại chế độ phong kiến Nga hoàng |
Hình thức đấu tranh | Bãi công, tổng bãi công | Bãi công chính trị, khởi nghĩa vũ trang |
Tính chất | Cuộc đấu tranh mang tính chất dân tộc đậm nét | Cuộc đấu tranh giai cấp |
Bài viết liên quan: